Trà Việt và cách thưởng thức trà của người Việt

Tìm hiểu phong cách Trà Việt cũng như nghệ thuật thưởng trà Việt qua thời gian.

Hiện nay trên thị trường trà Việt Nam có rất nhiều loại trà, và bạn đang băn khoăn suy nghĩ không biết người Việt mình đang chế biến và thưởng thức trà theo những cách thức nào? Với vốn hiểu biết của mình, hôm nay tôi xin giải thích thêm những băn khoăn thắc mắc này của bạn. 

Nếu nói đến cây trà thì ở Việt Nam đã có từ rất lâu rồi, văn hóa uống trà của người Việt có lẽ cũng đã có từ hàng trăm năm nay. Ở những vùng núi cao như Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên bái), Pà Cò (Hòa Bình), Tà Xùa (Sơn La), Cao Bồ (Hà Giang) hay Tủa Chùa (Điện Biên) người ta hiện đang thu hái những búp trà trên những cây trà có tuổi thọ lên tới 600 năm tuổi, hay mới gần đây người ta mới phát hiện ra rừng trà cổ thụ có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm tuổi tại Lạng Sơn.

Trà là đồ uống phổ biến thứ hai trên thế giới (sau nước uống). Nó làm bằng cách ngâm lá, chồi, hay cành của cây trà (Camellia sinensis) vào nước sôi từ vài phút đến vài giờ. Lá trà có thể được ôxy hóa (ủ để lên men), sấy rang, phơi, hay pha thêm các loài thảo mộc khác như hoa, gia vị, hay trái cây khác trước khi chế vào nước sôi.

Trong phạm vi thức uống chế từ Camellia sinensis thì có bốn loại trà: Trà đen, Trà đỏ, Trà Ô Long, và Trà xanh. Nhưng thói quen và tập quán sử dụng nhiều nhất của người Việt đó là Trà xanh. Gần đây, các loại Trà đen, Trà đỏ và Trà Ô Long mới du nhập nhiều vào Việt Nam. Cũng đã có nhiều công ty trong nước sản xuất các loại trà này để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nước trà là nguồn theophylline, cafein và chất chống oxy hóa (antioxidant) tự nhiên và gần như không có mỡ, carbohydrate, hay protein. Nước trà có mùi thơm,vị hơi đắng và chát.

 Văn hóa uống trà của người Việt thể hiện qua những phương thức nào?

Không giống trà đạo các nước như Nhật Bản hay Trung Quốc, người Việt Nam có cách thưởng thức thứ đồ uống bổ dưỡng, thanh tao này theo các cách riêng của mình. Có thể nói trà ở Việt Nam nó giống như cuộc sống, giống như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Ai ai cũng có thể dùng trà, và trà đã len lỏi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình Việt. Tuy có người dùng ít, có người dùng nhiều, nhưng có thể nói rằng với hầu hết mỗi con người Việt Nam thì ai ai cũng đã từng dùng trà.

Cách chế biến trà của người Việt

 Do thói quen và tập quán dùng trà người Việt có thể chia ra 3 cách chế biến chính như sau :

Cách thứ nhất: Cách đơn giản nhất mà người Việt từ xa xưa cho đến tận bây giờ vẫn sử dụng đó là dùng lá, hoặc cành trà tươi sau khi hái về rửa sạch, hãm với nước sôi và trực tiếp sử dụng.

Cách thứ hai: Người ta hái những búp trà non, mang về hong qua cho khô rồi mang đi sao, trải qua một số công đoạn như ốp tươi, vò chè, ốp khô, lấy hương, người ta đã cho ra một sản phẩm mà hiện nay sử dụng nhiều nhất gọi là trà búp.

Nếu được bảo quản trong điều kiện tốt như túi hút chân không, trà búp có thể để được 2 năm. Nhưng nếu để ngoài không khí bình thường có khi hai tuần trà đã bị hỏng vì tính hút ẩm của trà rất cao. Loại trà này hiện nay được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.

Cách thức dùng nó cũng rất đơn giản: Ấm chén sau khi tráng qua bằng nước sôi, ta cho trà vào ( ít trà nhiều trà tùy sở thích), sau đó ta đổ một ít nước sôi tráng qua trà. Công đoạn này nhằm loại hết bụi bám khi sao chế và cũng có tác dụng đánh thức cánh trà, để cánh trà ngấm nhanh hơn. Công đoạn này đòi hỏi ta phải làm rất nhanh và phải rót kiệt nước trong ấm bỏ đi. Sau khi đã tráng trà xong, ta đổ nước vào và chờ trong khoảng 2- 4 phút tùy loại trà. Khi rót nước mời trà lưu ý chia đều ra các chén bằng cách rót mỗi chén một ít một. Thao tác này nhằm làm cho tất cả các chén đều có độ đậm nhạt giống nhau. Nếu rót chén đầu tiên ta đã rót đầy luôn, như thế thì chén đầu sẽ rất nhạt và chén cuối sẽ rất đậm. Có một điều cần đặc biệt lưu ý nữa trong khi rót trà đó là không bao giờ được để cạn hết nước trong ấm trà. Bao giờ ta cũng phải để lại khoảng 30% nước trong ấm, sau đó ta lại têm thêm nước sôi vào. Lần rót nào cũng vậy, cũng phải để lại một lượng nước làm cốt cho lần sau. Làm như vậy ấm trà sẽ được bền nước, dùng được nhiều lần, và mỗi chén trà ta sẽ có cảm nhận gần giống nhau về độ đậm nhạt. Nếu như bạn rót kiệt nước ngay từ lần rót đầu tiên, điều đó sẽ làm cho lượt rót thứ hai sẽ rất nhạt và ấm trà không dùng được nhiều lần.

Cách thứ 3: Ướp hương vào trong trà hay còn gọi là trà hương

Trà búp sau khi đã sao khô, người ta dùng các loại hoa có mùi hương thơm và có lợi cho sức khỏe để ướp vào trong trà. Người ta có thể dùng các loại hoa như hoa sen, hoa bưởi, hoa nhài, hoa hồng…để ướp. Một đại diện của trà hương Việt Nam đã nổi tiếng khắp thế giới đó là trà sen. Tuy nhiên, để ướp được một kg trà sen người ta phải tốn rất nhiều công sức và trải qua nhiều công đoạn nên loại trà này rất đắt và sản lượng cũng hạn chế. Để ướp được một kg trà sen người ta phải tách gạo của 1000 đến 1500 bông hoa sen. Gạo sen sau khi được tách mang dùng ướp với trà, sau khi ướp gạo sen vào trà, tinh dầu của gạo sen sẽ làm cho trà rã ra, người ta lại mang trà đi sấy, công đoạn này phải trải qua 5-6 lần như vậy mới cho ra một mẻ trà sen.

Về cách pha trà ướp hương cũng tương tự như pha trà búp thường.

Những vùng chè ngon nổi tiếng của Việt Nam

Trả lời